1. Trước hết cần tìm hiểu, tra cứu thông tin về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện:
Từ năm 2001, Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 quy định: “Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được sản xuất, kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”.
Đến năm 2013, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân có quyền kinh doanh ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.
Khoản 9 Điều 3 Luật Đầu tư quy định: “Điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện cá nhân, tổ chức phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”.
Từ năm 2001, Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 quy định: “Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được sản xuất, kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”.
Đến năm 2013, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân có quyền kinh doanh ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.
Khoản 9 Điều 3 Luật Đầu tư quy định: “Điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện cá nhân, tổ chức phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”.
Như vậy, tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì phải đáp ứng đầy đủ điều kiện đầu tư kinh doanh.
Hiện nay, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và các điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng được công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại đường dẫn sau https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Nganhnghedautukinhdoanh.aspx. Các tổ chức, cá nhân đều có thể thuận tiện tra cứu các quy định có liên quan theo từng lĩnh vực mình quan tâm.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 thì các điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo các hình thức như sau:
- Giấy phép;
- Giấy chứng nhận;
- Chứng chỉ;
- Văn bản xác nhận, chấp thuận;
- Các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
2. Đăng ký kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với cơ quan đăng ký kinh doanh
Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định về việc tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải cung cấp các tài liệu chứng minh đủ điều kiện kinh doanh khi nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Khi đăng ký kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tổ chức, cá nhân ghi ngành nghề kinh doanh theo Điều 7 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Trong đó, khoản 3 Điều 7 Nghị định này quy định: “Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó”.
3. Một số lưu ý khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Như đã nêu trên, sau khi nắm bắt được thông tin về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện đầu tư kinh doanh và đảm bảo duy trì đủ các điều kiện đầu tư kinh doanh này trong suốt quá trình kinh doanh theo quy định (khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp).
Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành (khoản 8 Điều 7 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP). Do vậy, tổ chức, cá nhân thực hiện trình tự, thủ tục hành chính với cơ quan có thẩm quyền để được cấp Giấy phép; Giấy chứng nhận; Chứng chỉ; Văn bản xác nhận, chấp thuận. Trường hợp các điều kiện đầu tư kinh doanh là yêu cầu khác phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền thì tổ chức, cá nhân nghiên cứu, thực hiện, duy trì đủ các yêu cầu nêu trên mà không phải xin phép cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tổ chức, cá nhân thực hiện trình tự, thủ tục tạm ngừng kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Ví dụ: Công ty chứng khoán đã được cấp phép, thực hiện thủ tục tạm ngừng hoạt động chứng khoán theo quy định tại Điều 209 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Khi chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, tổ chức, cá nhân thực hiện trình tự, thủ tục chấm dứt kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Đồng thời, thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh về việc thông báo sửa đổi, bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh theo quy định. Ví dụ: Doanh nghiệp được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản tiến hành thủ tục trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản, chấm dứt hoạt động thăm dò khoáng sản theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 58 Luật Khoáng sản và thông báo về việc thay đổi ngành, nghề kinh doanh gửi Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh theo quy định của Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.
4. Vấn đề cần quan tâm
Hiện nay, sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh gửi thông tin doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để phối hợp theo dõi, quản lý.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BKHTD-BTC-BNV ngày 28/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch về Quy chế phối hợp mẫu giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập thì: “Cơ quan chức năng quản lý nhà nước về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở Kế hoạch và Đầu tư trong các trường hợp sau:
a) Thu hồi, rút, đình chỉ giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề hoặc các loại văn bản chứng nhận, chấp thuận khác đã cấp cho doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;
b) Đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện do không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh”.
Tuy nhiên, việc gửi thông báo đến Sở Kế hoạch và Đầu tư của các cơ quan quản lý chuyên ngành còn chưa thực sự được quan tâm. Theo báo cáo tình hình quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trên cả nước năm 2020, 23/49 địa phương báo cáo xử lý đối với 205 doanh nghiệp có hành vi vi phạm về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; năm 2021, 20/52 địa phương báo cáo xử lý 584 doanh nghiệp vi phạm kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo đề nghị của cơ quan quản lý chuyên ngành.
Theo đó, trong thời gian tới cần phải tăng cường phối hợp quản lý nhà nước hơn nữa trong quản lý kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Trương Tuấn Anh - Cổng thông tin Quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp